Mỗi người là tình nguyện viên của “Con đường ăn chay”
Lần này với chủ đề “Con đường ăn chay”, buổi tọa đàm đã diễn ra vào
sáng 25/9/2011 tại nhà hàng chay Hoa Khai – Q.1 – TP Hồ Chí Minh đã
được Tiến sĩ – Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Viện trưởng Học viện Phật
giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Trụ trì chùa Giác Ngộ và
bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Kim Hưng – nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng
TP Hồ Chí Minh giúp người nghe có thêm những kiến thức giá trị vô giá
từ việc ăn chay.
Thực tế vẫn tồn tại trong xã hội còn rất nhiều người có thói quen
ăn uống bừa bãi một cách thiếu định lượng về dinh dưỡng trong lối sống
buông thả giống như một cỗ xe không làm chủ tốc độ, trượt mãi xuống dốc
đến khi gặp nạn rồi mới thấy hậu quả của nó. Tại sao ?
Vì chúng ta đã sử dụng quá nhiều điện, quá nhiều khí đốt. Để phục
vụ cho tất cả vấn đề ăn uống khoái khẩu của con người, để phục vụ cho
đời sống thỏa mãn của con người, những cánh rừng đã biến mất, những
trang trại chăn nuôi rộng lớn mọc lên, các nhà sản xuất xả khí thải vào
không khí, vào mặt đất, vào nguồn nước. Văn minh của con người đã vượt
qua quá trình sự tiến hóa, quậy phá hành tinh xanh, tạo nhiều vết thương
lên trái đất, gây tội ác với trái đất. Làm mất cân bằng sự hấp thụ của
trái đất, càng ngày trái đất càng không an toàn. Bất chấp số phận con
người của những thế hệ sau.
Các cụ xưa thường có câu: “Chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ”. Thực
tế chúng ta không thể đếm chính xác đã có bao nhiêu quan tài sau các
cơn lũ quét, sau các vụ hỏa hoạn, sau các trận động đất, sau những trận
sóng thần ?! Cụ thể những trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua
đã làm thiệt hại gần 300 tỷ đô la Mỹ thì dù hàng chục triệu người trên
thế giới có tấm lòng nhân ái đóng góp tới đâu cũng không thể cân đối
được tinh thần, của cải và con người đã bị tổn thất.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Kim Hưng, tuy là người không theo tôn giáo nào,
nhưng sau khi ăn chay đã 6 năm, BS đã nhận ra thân tâm mình trở nên
thanh tịnh hẳn và BS đã bỏ công nghiên cứu rất nhiều tài liệu trong việc
ăn chay để tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ hơn những giá trị tinh
thần và sức khỏe không thể mua được ở đâu mà chính do mình quyết định từ
vấn đề ăn chay.
BS nói: “Là con người thì việc đầu tiên là phải biết quan tâm đến
cách ăn uống của mình, ăn uống thế nào để phù hợp có lợi ích cho mình
nhiều nhất và cho muôn loài nhiều nhất. Có người đến một bác sĩ hỏi ăn
chay có tốt không ? BS đó khuyên đừng có ăn chay, ăn chay nguy hiểm lắm.
Sau đó người đó đến hỏi tôi, thì tôi hỏi lại rằng bản thân BS đó có ăn
chay không? Họ không ăn chay thì làm sao có kinh nghiệm, có kiến thức
để tư vấn cho người muốn ăn chay được?”.
Ca sĩ Đông Quân lần đầu tiên đảm nhận vai trò dẫn chương trình tọa
đàm nghe vậy, nói: “Đông Quân lúc đầu tập ăn chay thấy đói nhanh lắm
(cười), rồi… thỉnh thoảng có bữa quên lại ăn mặn (lại cười), nhưng sau
rồi thấy động vật bị giết hại tội nghiệp quá nên Đông Quân ráng nhớ để
ngày nào cũng ăn chay”. Dưới khán phòng mọi người cười rộ lên vui vẻ
“Đông Quân dễ thương quá”.
Thầy Nhật Từ tủm tỉm cười, nói rành rẽ: “Nhận thức được việc ăn
chay là thể hiện một phần sự tiến bộ nội tại về đạo đức và tâm linh.
Riêng tại Ấn độ truyền thống ăn chay đã 2.600 năm, đã trở thành một đời
sống ăn chay tinh thần. Nhưng Việt Nam vẫn loanh quanh với kỹ năng nấu
làm sao cho đa dạng phong phú, nhưng chưa coi trọng vấn đề thực phẩm,
chưa chú trọng đến văn hóa ăn chay để hiểu thực chất vấn đề ăn chay ảnh
hưởng trực tiếp đến đến sức khỏe thế nào?
Trong Phật giáo, văn hóa ăn chay đã hình thành từ lâu, đến mức khi
bắt đầu ăn phải có nghi thức gọi là “Nghi thức chánh niệm” với ý nghĩa:
Ghi công đức người nông dân tạo ra chén cơm cho mình, không phải vì mình
được hưởng thụ, không được hoang phí thực phẩm mà phải trân trọng. Quá
trình ăn thấy rõ mối liên hệ mật thiết giữa cơ thể và tâm linh làm chủ
được dòng cảm xúc, làm chủ các giác quan. Qua việc ăn chay sẽ làm tăng
trưởng các giá trị văn hóa về tâm linh.
Tuy vậy, so với Việt Nam, vấn đề ăn chay hiện nay cũng có bước tiến
phát triển ngoài xã hội, đã có tầm nhìn có bước ngoặt tích cực và đáng
trân trọng.
BS Kim Hưng: “Ngài Bernard Shaw là một kịch tác gia nổi tiếng người
Anh quốc, mẹ và chị gái đều là ca sĩ nổi tiếng, ông đoạt giải Nobel về
văn học từ năm 1925. Có lần ông bị bịnh, bác sĩ biết ông ăn chay trường
và coi đó là tật xấu, khuyên ông hãy bỏ ăn chay nếu không ông sẽ toi
mạng vì kiệt sức. Nhưng ông không quan tâm điều bác sĩ của mình khuyên
mà nói: “Tôi không ăn các thây ma của thú vật ấy”.
Trở ngại lớn nhất của người chưa ăn chay có suy nghĩ là ăn
chay không đủ chất, sẽ mệt mỏi, không sung sức. Tôi thấy ở Ấn Độ ăn chay
trường hàng ngàn năm qua, biết bao thế hệ ăn chay từ trong bụng mẹ, rất
nhiều thế hệ trong dòng tộc ăn chay trường. Người ta nấu cơm còn bỏ
thêm đậu vào nồi cơm. tất cả đều rất khỏe mạnh và thông minh. Những đứa
trẻ ăn chay trường có chỉ số thông minh cao hơn chỉ số những đứa trẻ
bình thường khác.
Khi được hỏi phụ nữ ăn chay trường khi có bầu thì nên bổ sung những thực phẩm nào ?
BS Kim Hưng cho biết: “Phụ nữ ăn chay trường khi mang thai nên ăn các loại nấm, trong nấm có nhiều chất sắt và kẽm. Các
dưỡng chất chứa axit folic, vitamin B có trong các loại ngũ cốc như:
Gạo lức, bánh mỳ, bột mỳ đen, mỳ ý. Các loạt đậu có chứa lượng lớn chất
xơ, protein, sắt, folate, canxi và kẽm như đậu lăng, đậu tương, đậu đen,
đậu phộng, hạt điều, mè v v… cung cấp hydratcacbon cho hoạt động của hệ
thần kinh và quá trình tiêu hoá diễn ra được tốt, cung cấp cho cơ thể
một lượng đạm không thua gì thịt, cá. Thực phẩm có lượng vitamin A cung
cấp folate, chất xơ, canxi, lutin, kẽm như bông cải xanh hay còn gọi là
súp lơ, có khả năng giúp sáng mắt. Ngoài ra còn có pho mát chứa rất
nhiều canxi, phot pho và magiê cần thiết cho sự phát triển xương. Các
loại trái cây có chứa lượng lớn cacbonhydrat, vitamin C, kẽm, folate,
chất xơ. Riêng dâu tây có chất phytonutrient có khả năng bảo vệ tế bào”.
Thầy Nhật Từ đã có 10 năm giảng Pháp trong và ngoài nước, có
trên 40 lần vấn đáp về ăn chay. Đã thực hiện các VCD về văn hóa ăn chay:
Ăn chay về môi trường, Ăn chay vì một thế giới hòa bình, Ăn chay vì sự
thăng tiến văn hoá tâm linh, Ăn chay vì bảo môi trường, Ăn chay và dưỡng
tâm. Những đĩa VCD này đã được sự quan tâm tích cực trong cộng đồng.
Năm 2008, 2009, 2010. Thượng tọa Thích Nhật Từ là một nhà sư đầu tiên ở
Việt Nam đã có cơ hội giảng Pháp cho trên 2000 phạm nhân tại trại giam
K20 – huyện Giồng Trôm – Tỉnh Bến Tre. Sau những buổi giảng về đạo đức
và tâm linh, tất cả cán bộ công an và toàn thể phạm nhân cùng ăn chay
vào ngày chủ nhật và coi đó là một nét đẹp trong văn hóa ăn. Riêng với
các phạm nhân gắn kết việc ăn chay để chuyển qua nội tâm giúp vượt qua
được những cạm bẫy để ý thức rõ được cảnh giới của chính mình.
Đã từng đi Hoằng Pháp ở nước ngoài, thầy Nhật Từ cho biết thêm:
“Những người ăn chay ở nước ngoài hoàn toàn dùng thảo mộc không dùng bột
ngọt, rất an toàn khi ăn chay hàng ngày. Họ không có công nghệ sản xuất
thực phẩm giả mặn như ở Đài Loan, Trung Quốc và Triều Tiên. Có một thực
tại là người Việt Nam bắt trước Trung Quốc và Đài Loan làm món ăn chay
giả mặn. Bản chất của văn hóa ăn chay là muốn phát triển năng lượng từ
bi.
Theo đạo đức học Bồ Tát, mỗi nghiệp của con người không chỉ
có lời nói hành động của tay chân mà được đánh dấu từ nguyên thủy để
xuất phát từ nếp suy nghĩ của tâm. Khi ăn cho dù đó là món chay, nhưng
có tên giả mặn thì tâm liên tưởng đến cá, thịt, mắm. Tâm sát nghiệp sẽ
thực hiện một cách vô thức qua việc nhai và nuốt vào trong cơ thể. Đó là
điều rất nguy hiểm, nếu lâu và dài trở thành một quán tính, tạo ra phản
ứng, dần diễn ra xúc tác nhỏ tương quan đến cộng đồng.
Những hình ảnh bạo động sẽ tác động và tạo hạt giống, biến
dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Việt Nam chúng ta đã ăn chay 40 năm
trở lại đây, nhưng hiện nay đang bị đe dọa bởi những hình thức món chay
giả mặn đã bị xâm nhập từ nước ngoài vào”.
BS Kim Hưng cười, nói thêm: “Chúng ta đang là nô lệ của cái lưỡi,
cái lưỡi điều khiển mình chứ không ăn bằng sự hiểu biết. Tôi hạnh phúc
vì tôi ăn trong hạnh phúc chứ không phải tôi ăn để có hạnh phúc. Cơ thể
chúng ta có 2 phần: Phần thứ nhất là cát bụi tạo ra từ thức ăn, phần thứ
2 là sự sống trong cơ thể là chân tâm là tâm hồn của mình. Nếu mình là
nô lệ của thức ăn, ăn gì cũng OK, như heo rừng, trâu, bò, thỏ, chó, cá
sấu, ăn cả rắn, bọ cứng, bọ mềm, bọ cạp, dế mèn, sâu bọ, (cả khán phòng
cùng cười). Cấu trúc con người là ăn thực phẩm chứ không phải là ăn động
vật, lâu nay mình đã ăn lộn thực phẩm nên nhiều người đã bị bệnh gút,
tiểu đường và các chứng bệnh khác. Con người là cao quý nhất trên trái
đất thì phải biết nâng niu vạn vật”.
Bằng những âm sắc rõ ràng chân thực của người Sài Gòn, thầy Nhật
Từ, bác sĩ Kim Hưng và MC Đông Quân đã chuyển tải nhiều tầng ý nghĩa
mang giá trị nhân văn trong văn hóa ăn chay. Tạo nên một không khí cảm
động trong buổi tọa đàm. Có lẽ một vở kịch hay, một bộ phim hấp dẫn cũng
không gây ấn tượng và thú vị hơn với trên 250 người tham dự trong khán
phòng. Không ai nói chuyện riêng, tất cả đều hướng về 2 chuyên gia vấn
đáp và người dẫn chương trình là ca sĩ Đông Quân.
“Ăn chay” không phải là một vấn đề mới trong đời sống con người mà
đã được coi là vấn đề “xưa như trái đất”. Thế nhưng, ngày nay trái đất
không còn được như xưa, nó đang là “vấn đề” trái đất sẽ sống hay sẽ bị
hủy diệt đều do chính con người quyết định. Ngoài một thực tế nhất là ăn
chay vì sức khỏe, nhưng quan trọng hơn cả là ăn chay góp phần đắc lực
bảo vệ cuộc sống của trái đất không thể khác được.
Nhà triết học nổi danh Socrates người Hy Lạp sinh năm 469 – 399 năm
trước công nguyên – từ thời xa xưa ấy ông đã từng khuyên mọi người nên
dùng thực phẩm trong bữa ăn thay vì sử dụng thịt động vật, đó là một
phương cách khôn ngoan. Ông nhấn mạnh thêm: “Nếu mọi người đều ăn
thịt thì chúng ta phải cần rất nhiều diện tích đồng cỏ để chăn nuôi nên
dễ sinh ra các cuộc chém giết lẫn nhau để tranh dành lãnh thổ”.
Thầy Nhật từ điềm đạm nói: “Mỗi người chỉ cần ăn chay 1 tháng 1
lần, tức là ăn chay 12 lần trong một năm thôi cũng đã góp phần giảm
thiểu hâm nóng toàn cầu bằng vài chục năm so với các công nghệ hiện đại
tạo ra CO2. Một thực tế ai cũng biết, vấn đề nước sạch cho con người sử
dụng rất ít so với nước sử dụng cho chăn nuôi, cho việc giết mổ gia súc
mà còn trực tiếp hủy hoại môi trường sống của chúng ta.
Cần có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo như thế này, mỗi người hãy là
một tình nguyện viên, là một sứ giả trên con đường ăn chay. Bắt đầu từ
những người thân trong gia đình, rồi xung quanh là bạn bè, nếu có sự
tích cực thì có các họat động khác hướng dẫn rộng rãi hơn trong cộng
đồng. Văn hóa ăn chay vượt ra ngoài tôn giáo, vì ăn chay là một nét văn
hóa chung của dân tộc, vì sự sống của nhân loại, cứu vãn hành tinh.
Nếu chúng ta càng phổ biến rộng rãi trên tivi, sách vở, báo chí,
radio, internet, số người ăn chay sẽ tăng lên theo năm tháng. Nên có
những làng ăn chay trong xã hội, nhiều hàng quán chay mọc lên. Ăn chay
càng nhiều thì càng mở rộng năng lực lòng từ bi, yêu thương động vật
hơn, không hủy hoại môi trường, không hủy hoại sự sống. Cần thiết có
những khen thưởng cho những tình nguyện viên trong công cuộc ăn chay vì môi trường”.
Con đường ăn chay” chính là con đường tâm của những người
quan tâm đến bảo vệ môi trường, là những người biết bảo vệ sức khỏe của
mình đúng nghĩa. Theo Tiến sĩ – Thượng tọa Thích Nhật Từ, ở Việt Nam có
các vị Hòa thượng, cao tăng xuất gia từ lúc chưa nói sõi, nhờ ăn chay,
nhờ làm chủ lối sống và làm chủ cảm xúc, hành vi, nên tuổi thọ của các
vị từ 85 đến 100 tuổi có khoảng 300 vị.
Vâng, như lời thầy Nhật Từ nói: “Mỗi người là một tình nguyện viên
của con đường ăn chay”. Và lời của bác sĩ Kim Hưng là: “Người ăn chay là
người cao quý”.
N.T.N.T.
TT Tiến sĩ Thích Nhật Từ
Bác sĩ Kim Hùng và ca sĩ Đông Quân
Ca sĩ Đông Quân
Chi nhánh Liên hiệp các hội Unesco gửi lãng hoa chúc mừng
Trao thẻ học nấu món chay miễn phí
Không có nhận xét nào