Phóng sinh việc dễ... khó làm
Phóng sinh có nghĩa là giải thoát những sinh vật đang bị giam hãm trong lồng, chậu hoặc sắp bị giết. Đây là hành động mang lại sự sống cho chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng
Thả cá xuống hồ vừa để chuyển kiếp cho cá vừa tạo thêm phước lành cho mình |
Phóng sinh... đáng được ca ngợi
Bắt nguồn từ hai bộ kinh Phật giáo Bắc Tông là kinh
Phạm Võng Bồ Tát Giới và kinh Kim Quang Minh, tục lệ phóng sinh được
phát triển mạnh ở Trung Hoa, truyền sang Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên
và Việt Nam.
Đức Phật dạy: “Người con Phật vì lòng từ bi mà làm
việc phóng sinh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đời sát
sinh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ”.
Tục phóng sinh được phát khởi từ tinh thần từ bi và
bình đẳng giữa chúng sinh. Phóng sinh cũng như ăn chay, chính là một
phần của việc giữ giới không sát sinh, một trong năm giới cấm mà người
Phật tử khi quy y Tam Bảo thường phát lên lời nguyện giữ gìn.
Không sát hại sinh vật, dù gián tiếp như ăn thịt
động vật hoặc trực tiếp như cầm dao giết con vật, là làm việc thiện một
cách thụ động và phóng sinh cứu mạng sống, là làm việc thiện tích cực.
Như thế theo tinh thần này, người Phật tử không
những không sát hại sinh vật mà còn phải cứu sinh vật đang bị đe dọa đến
tính mạng, đang bị giam giữ tù đầy trong lồng chậu, cứu cho chúng khỏi
chết, nghĩa là giải thoát chúng, trả tự do cho chúng về với bầu trời
sông nước, về với gia đình tổ ấm của chúng.
Theo đó, phóng sinh là một việc làm rất tốt, rất
đáng đươc ca ngợi. Tuy nhiên, nhà Phật có câu “tùy duyên, bất biến”. Bản
chất của sự tu hành để tăng trưởng lòng từ bi là bất biến. Nhưng trong
hành động thì cần tùy duyên, nghĩa là tùy trường hợp, tùy địa phương mà
hành động, để vẫn có thể phù hợp với chân lý, đồng thời cũng hợp thời,
hợp cảnh, kinh Phật gọi là khế lý và khế cơ.
... nhưng đôi điều phải suy xét
Vào thời xa xưa, trong những dịp lễ có phóng sinh,
các cụ mua cá cho bơi trong chậu nước hoặc mua cả giỏ cua đồng, loại cua
nhỏ bằng ngón chân cái, đem lên chùa cúng rồi đem ra sông thả. Sau khi
được thả, mấy con vật thường lặn ngay xuống nước.
Ngày nay thì khác. Chúng ta ở trong thành phố nên
ít khi có được cá hoặc cua sống cho nên chúng ta mua chim để thả. Những
con chim bị bắt để bán cho người phóng sinh này thường phải chờ đợi một
thời gian trước khi tới giờ phút được sổ lồng.
Trong thời gian chờ đợi đó, chúng không được săn
sóc chu đáo vì dường như không ai có bổn phận phải chăm lo cho mấy con
chim trong lồng nằm chờ nơi góc sân kia được ăn uống no đủ.
Vậy thì chúng ta cần phải xét lại việc phóng sinh
chim và thả cá. Chim bị bắt nhốt vào lồng, cá bị bắt thả trong chậu bán
ngoài chợ là do người giăng lưới vây bắt vì nhu cầu tiêu thụ, để ăn hoặc
để phóng sinh. Điều này có nghĩa là nếu không có nhu cầu mua chim cá
thì chim cá sẽ không bị giăng lưới và nhốt vào lồng chậu.
Qua sự việc trên chúng ta nhận thấy, vì muốn phóng
sinh nhằm tạo phước mà người phóng sinh lại vô tình thúc đẩy những người
khác giăng lưới bắt chim cá, đến nỗi tự họ lại mắc vào nghiệp sát sinh.
Trong tình hình như vậy, có nên phóng sinh hay
không? Việc này là do suy nghĩ của mỗi người dân. Tuy nhiên, việc bắt,
mua bán rồi thả, rồi bắt lại... là không đúng với tinh thần phóng sinh.
Phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta giải thoát
được con vật trong hoàn cảnh ngẫu nhiên hay thả chúng sống trong một môi
trường thích hợp, tạo cho chúng có cơ hội sống dài lâu hơn. Không nhất
thiết phải mang chúng đến chùa mới phóng sinh được. Chỗ nào thích hợp
thì thả chúng.
Thật ra việc phóng sinh ai cũng có thể làm, không
nhất thiết phải có tiền để mua chim, cá mới thực hành được. Chỉ cần có
tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh, xem mọi loài chúng sinh đều bình
đẳng, đều có quyền sống.
Hoặc là khi khởi tâm muốn phóng sinh, chúng ta rủ
bạn bè, gia đình đi ăn một bữa cơm với rau đậu, như thế là chúng ta cũng
đã có thể cứu dăm ba mạng tôm, cua, sò, cá, chim câu... Thế là cũng đã
thực hiện hạnh phóng sinh rồi.
Theo quy luật nhân quả, mình có lòng muốn cho chúng
sinh khỏi đau đớn, giải thoát chúng sinh thì mình cũng sẽ được khỏi đau
đớn, được giải thoát. Nhưng đó chỉ là kết quả tự nhiên của những hành
động từ thiện, không phải mục tiêu của sự phóng sinh trong nhà Phật.
Nhà Phật phóng sinh là vì lòng từ bi. Nói như thế
không có nghĩa là hành động phóng sinh chỉ đem lại ít lợi ích. Thật ra
việc phóng sinh đúng cách và với Tâm Vô Sở Cầu thì sẽ có kết quả vô cùng
lớn lao, là vơi đi nghiệp sát đã vướng phải trong vô lượng kiếp.
Nguồn trích:
Không có nhận xét nào