Đường nào cũng có chông gai…
Sau một năm anh đi cuối cùng mình cũng có dịp gặp lại… Anh
vẫn là anh của thuở nào, chỉ khác một chút: giờ anh đã là thầy tu! Vẫn với cái
dáng vẻ chân quê mộc mạc, vẫn với ánh mắt trong sáng trìu mến, vẫn như những
ngày xưa. Nhưng trong anh thì tràn đầy nguồn năng lượng hạnh phúc.
Trò chuyện với mình, anh bảo một người lữ khách trước khi ra
đi hoặc lên đường cũng lựa chọn cho mình một đôi chân vững chắc, một ý chí sắt
đá kiên cường và chuẩn bị những hành trang đầy đủ rồi mới lên đường. Thế mà nửa
đường gặp khó đã phải dừng lại bỏ cuộc. Vì vậy con đường tu hành cũng là một
con đường nhiều chướng ngại, gay go. Nó không chỉ đơn giản là vào chùa rồi
xuống tóc là xong, là thành chánh quả mà đó chỉ là một sự bắt đầu, mình phải
biết áp dụng giáo lý của Phật vào cuộc sống “để xé lòng mình ra khỏi vỏ cứng
kiêu sa, ích kỷ, tham lam… Biết dung hòa được các vị chua, cay, mặn, ngọt…, làm
thành những món ăn ngon miệng không chán. Buồn, vui, sướng, khổ… đều là yếu tố
cần thiết cho tinh thần và làm đẹp cuộc đời, vậy thì cớ chi mà mình cứ biết mỗi
một việc: buồn ơi là buồn”.
Anh bảo từ khi vào cửa Phật, anh cảm thấy “cuộc đời phong
phú, đẹp đẽ hơn lên. Tình người nơi Phật tử, tình đạo Phật, như ánh mặt trời
tuôn trào khắp nơi…”. Cuộc sống nơi cửa Phật cùng anh em huynh đệ và quý thầy
giúp anh nhận diện rõ mình và quan sát mình kỹ hơn để thấy rằng mình còn nhiều
lầm lỗi, càng tu anh càng “thấy mình có nhiều lỗi” để rồi phải quyết tâm tu tập
chuyên cần tinh tấn hơn bởi “tu là tìm lỗi mình và sửa” mà…
Anh nói đừng bao giờ giữ lấy gì riêng cho mình bởi nó là
nguyên nhân của buồn đau. Hãy hy sinh những sở thích riêng của mình để lo cho
mọi người được an vui, ta sẽ được niềm vui cao đẹp, bao la hơn và nhận được giá
trị của cuộc sống… “Hạnh phúc bền vững nhất là được làm người phụng sự em ạ”,
anh chân thành khuyên tôi, một đứa em nhỏ cũng có khát khao được đi như anh.
“Thay đổi quan niệm, là thay đổi cả cuộc đời, hãy cảm ơn
những đau buồn thất bại bởi đó chính là chén thuốc đắng tẩy rửa tâm hồn mình.
Thật ra buồn-vui-sướng-khổ đều là tặng phẩm quý của trần gian này. Ta nên đón
nhận với lòng biết ơn thanh thoát”, tôi như thấm từng lời của anh!
Cuộc trò chuyện ngắn của anh - một “thiên thần quét lá”, một người
anh lớn đã cho tôi ngộ ra rằng: Đạo Phật là “đến để mà thấy” chứ không
ngôn từ nào diễn tả được hết. Chỉ có sống trong nó và cùng thở với nó thì ta
mới hiểu cái cảm giác đó là như thế nào. Cuộc sống do ba mẹ cho ta và cách sống
là do ta chọn. Hãy đi con đường mà tốt cho nhiều người và mình thấy được sự an
lạc nơi ấy…
Như Danh
Không có nhận xét nào