Ý Niệm Công Đức Tắm Phật Trong Đại Lễ Phật Đản
Lễ Tắm Phật như cam lộ tưới mát, công đức vô lượng khó có thể nghĩ
bàn. Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép: “…Đức Phật còn dạy rằng, nhờ
việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu
thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh
giác.”
Đại Lễ Phật Đản từ ngàn xưa cho đến bây giờ, đối với tất cả mọi người
con Phật trên khắp năm châu bốn biển, từ thành thị đến thôn quê, từ
miền núi đến đồng bằng, từ đất liền đến hải đảo, cứ mỗi độ lễ Phật Đản
trở về mọi người ai nấy bổng thấy trong lòng cảm giác hân hoan cứ như
dâng trào, niềm vui chờ đón cứ muốn tràn đầy như một dòng nước lâu ngày
bị bờ đê ngăn chận, đây là ý nghĩa của của công đức hình ảnh chín rồng
phung nước tắm Phật.
Phật Đản lại về, cuối xuân đầu hạ, cây đủ lá xanh tràn trề sức sống,
hoa sen rộ nở đóa đóa diệu hồng, trắng mát, tỏa hương khoe sắc, như đón
bậc vĩ nhân, từng đợt gió mang theo hơi nước của mưa xuân, cả thế gian
như đắm chìm trong tươi mát, đất mẹ nhận những giọt cam lộ làm thấm
nhuận đại địa đang xuân, sức sống tràn trề, tương lai tươi sáng, đây là ý
nghĩa của những giọt nước từ cửu long phúng thủy tắm Phật sơ sinh.
Phật Đản lại về người người con Phật, nô nức thi đua trổ tài làm cho
Phật đài trang nghiêm tráng lệ hơn nữa, xe hoa kiệu Phật thêm màu sắc
mới, nghệ thuật treo đèn kết hoa thắm màu rực rỡ, mọi thứ đều hoàn mỹ
tốt đẹp, không khác cung Tỳ La thuở trước, kém gì vườn Tỳ Ni ban xưa,
tất cả đều là mới, tất cả đều là vui mừng cho nên gọi là Đản sanh, là
công đức của những giọt nước của chín rồng phúng thủy ngày xưa, khi tắm
cho Đức Phật sơ sinh vì muốn Ngài đem niềm tin mới và chân lý sáng ngời
đến cho nhân loại.
Phật Đản lại về làm cho tâm của tất cả mọi người như bừng tỉnh lại,
thấy được quá khứ của một năm, nhìn được lỗi lầm của mấy tháng, làm được
gì, hay chưa làm được, đủ quyết tâm chưa hay chỉ đại khái thôi? đem
niềm vui đến được bao người, gây khổ não cho mấy nhiêu kẻ khác, cảm thấy
tự mình chưa đủ quyết tâm học Phật, cho nên lại thêm một lần nữa tắm
Phật để nguyện cầu tin tấn thêm lên. Vì vậy những giọt của rồng tắm cho
Phật lại một lần nữa thấm nhuận tâm điền của người biết nhìn ra lầm lỗi
và tự mình biết hổ thẹn, tàm quý để sửa sai, Phật dạy đây là loại người
có khả năng chóng thành Phật nhất, công đức của nước tắm Phật vì khiến
người biết tàm quý ăn năn.
Phật Đản trở về, mọi người lại thành kính tác lễ tắm Phật hơn hai
nghìn năm vẫn như vậy nao nức, suốt bao nhiêu lần cải triều, thay chúa
vẫn một mực thăng hoa, xã hội loại người từ chế độ phong kiến đến kỷ
nguyên khoa học hiện đại vẫn hết lòng cung kính học theo, vì lẽ gì? chỉ
có một điều duy nhất, Phật là bậc đã giác ngộ, giáo pháp của Ngài là
chân lý, con đường của Ngài là điểm đến của an lạc và giải thoát, vì tin
như vậy nên chín rồng mới phúng nước cúng Phật, tắm cho Ngài là thể
hiện chân thành và kính tin nhất đối với bậc Đại Giác, vì vậy đây là
những giọt nước của niềm tin thanh tịnh, đủ công đức để làm trổi dậy
chánh tín thanh tịnh của tất cả mọi người, đây gọi là công đức của cam
lộ thánh thủy tắm Đức Như Lai vậy.
Phật Đản trở về, nhìn hình tượng sơ sanh của Đức Đại Giác, đủ tướng
ngây thơ chân chất, cụ hình chính trực quang minh, trần lao không có
chút bợn nhơ, phiền não không một hạt đeo dín, chiêm ngưỡng sơ sanh Phật
tướng, hướng tâm mình về chốn tịnh minh, thấu suốt não phiền thế gian,
đã hay; nên sửa tâm ta ngay thẳng, chỉ có tâm chánh mới thoát khỏi não
phiền, chỉ có lòng chân thật mới được người tôn kính, gia đình hạnh
phúc, xã hội bình yên đều có nguồn gốc từ tâm thanh tịnh. Đây là nhơn
duyên thứ nhất để tâm về với Phật, là công đức vô lượng của Phật tướng
nên rồng phung nước tắm gội Thế Tôn, nay con tắm Phật cũng nguyện được
đắc tâm như vậy, vì thế nên gọi đây là công đức của giọt nước tắm Phật
thân.
Mùa Phật Đản ai cũng một niềm nao nức đến chùa dự lễ tắm Phật, cùng
thầy lành bạn quý kết thêm duyên, thầy lành là duyên quý, vì từ nơi thầy
con học được đức từ bi hỷ xã, từ nơi thầy con được hành hạnh tri túc
thường lạc, vì thầy dạy cho con pháp lành của chư Phật, nên thầy lành
khó gặp là ý như vậy. Bạn quý, vì gặp nhau không khởi tâm phiền não, gặp
nhau không có lời thị phi, cùng nhau học Phật, cùng nhau tu trì, cùng
nhau phát tâm đồng tu cho đến ngày thành Phật đây là bạn quý vậy.
Cho nên “nhất Phật xuất thế thiên Phật hộ trì” một Đức Phật ra đời
thì có ngàn chư Phật đến để hộ trì, và ngày Phật ra đời cũng chính là
ngày mà mười phương chư Phật đến hộ trì và chúng con là những vị Phật
trong tương lai nhân ngày Phật Đản Sanh phát tâm học Phật, chúng con tin
chắc rằng những giọt nước của rồng tắm Phật trong đó cũng có phần của
con, vì rằng trong những giọt nước có chứa công đức “Bất thối Bồ tát vi
bạn lữ” luôn đồng hành cùng vói những Đức Phật trong tương lai, đây là
công đức của tắm Phật vậy.
Lễ Phật Đản không ai nhắc ai mà hầu như tất cả mọi người nếu có tâm
lành, thì điều nghĩ đến phải làm một việc thiện nào đó, trong mùa Phật
Đản, như ăn chay để tạo phước, giúp đỡ một ai đó để nói lên hạnh từ, từ
lời nói cho đến hành động như có một năng lực huyền diệu, khiến cho mọi
người như tỉnh giác hơn, sống an lạc hơn, đây là công đức sống trong an
lạc của Đức Phật, vì Ngài ra đời cũng vì nhân duyên đó, cho nên khi Ngài
ra đời thiên long cảm được an lạc nên hoan hỷ phát tâm tắm Phật, và
công đức này vẫn hằng diệu cho đến ngày nay.
Nói sao cho hết công đức của Phật, trong kinh thường dạy “công đức
của Phật không thể nghĩ bàn”. Trong Kinh Dục Phật Công Đức có chép về
tắm phật có 15 công đức: “… Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có
được mười lăm công đức thù thắng sau: 1. Thường biết tàm quý; 2. Phát
khởi niềm tin thanh tịnh; 3. Tâm ngay thẳng; 4. Được gần gũi bạn lành;
5: Chứng huệ vô lậu; 6. Thường gặp chư Phật; 7. Luôn hành trì chánh
pháp; 8. Làm đúng với lời nói; 9. Tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật; 10.
Nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác
tôn kính, khởi tâm hoan hỷ; 11. Nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên
biết niệm Phật; 12. Không bị ma quân gây tổn hại; 13. hay hộ trì chánh
pháp trong thời mạt pháp; 14. Được chư Phật trong mười phương gia hộ;
15. Mau thành tựu được năm phần Pháp thân.”
Phật Đản dấu ấn của Phật thường trụ tại thế, ánh sáng của Chánh Pháp
lan rộng khắp nơi nơi, Tăng già Đạo Phật như càng thêm nguyện lực, tín
chúng bổn đạo như thêm trọn niềm vui, trong công đức của Chư Phật. lại
một mùa Đản Sanh hòa hợp an lạc, thanh tịnh, thái bình.
Thích Tâm Mãn
Không có nhận xét nào