Tại sao Phật tử “đòi hỏi” nghiêm khắc ở người xuất gia?
Vì người Phật tử
hiểu rằng chư Tăng Ni chính là cá nhân đại diện cho Tăng đoàn, và mọi người đều
“mặc định” người xuất gia là người mô phạm về lối sống, ở đây chính là lối sống
giải thoát, không ràng buộc vào những vật chất của thế gian. Nhiều người đã
hiểu thế nên thường khi thấy một ai đó
trong pháp phục của chư Tăng mà có những biểu hiện vi phạm oai nghi, luật Phật…
người ta đều quy chụp vào chỗ “đạo Phật” chứ không chỉ là cá nhân cá nhân ấy.
Ảnh minh họa
Người Phật tử
lăn lộn ngoài đời, đã sợ lắm mùi tiền có chứa trong đó vị mặn, đắng của ganh
đua, hơn thua, tị hiềm, sân hận, luồn lách… nên mới đến chốn thiền môn hầu mong
tìm dư vị của an lạc nên họ kỳ vọng vào nơi họ tới sẽ là điểm đến bình an thật
sự. Đương nhiên, người đại diện cho chốn chùa chiền chính là bóng áo nâu, từ bỏ
đời sống gia đình, chọn con đường xuất thế để đi (nếu chưa dứt hoàn toàn những
tập khí của tham-sân-si thì chí ít cũng không thể “giống y chang” người thế
tục, bị vướng víu, lụy vào phương tiện hiện đại này, vật chất kia đến nỗi se
sua, khó chấp nhận).
Người Phật tử
đến nương Tam bảo, nhưng ở cách xa Phật (Đấng Giác Ngộ) hàng ngàn năm nên hình
bóng Tăng-già vốn là hình bóng thân quen, mẫu mực, đáng tôn kính, noi gương.
Không phải Phật tử nào cũng hiểu và hành được “y pháp bất y nhân”, và biết “lấy
giới làm thầy”, biết quay về nương tựa hải đảo tự thân, thắp sáng Đức Phật
trong mình… Vậy nên Phật tử mới “đòi hỏi” chư Tăng Ni “không giống lông cũng
giống cánh” đời sống xả ly của Đức Phật và Tăng đoàn nguyên thủy, điều đó là lẽ
đương nhiên, là điều mà chư tôn đức cần lắng nghe để hiểu, để thương rằng: Phật
tử đôi khi mong muốn, kỳ vọng, tin tưởng quá nên cũng vì thế mà “đòi hỏi”
nhiều, trách móc, giận hờn cũng nhiều…
Thật ra,
những “đòi hỏi” của Phật tử đối với chư Tăng Ni không phải là những đòi hỏi
mang tính xấu đi, nếu nhìn cho kỹ thì những mong muốn ấy đều là những niềm mong
chư Tăng “thúc liễm thân tâm” cả thôi. Mong muốn chư Tăng không vướng vào máy
vi tính quá nhiều hay đừng xài điện thoại quá sang, đi xe quá hoành tráng… cũng
chính là mong chư tôn đức Tăng Ni sống trung đạo trong nếp sống của nhà Phật.
Và nếu hiểu như vậy, thì chỉ còn cách thể hiện sao cho những mong muốn ấy là
xuất phát từ tâm yêu kính Tăng bảo, lợi đạo, lợi mình chứ không phải là những
chỉ trích, trách móc, đánh giá kiểu của người thế gian. Do vậy, việc lên mạng
rêu rao, chỉ trích, đánh giá chư Tăng là việc làm thiết nghĩ không đúng tinh
thần của một người “quy y Tam bảo”.
Pháp Lữ
_________
Xem thêm: Chiếc áo tâm linh ll Dấu hiệu nhận diện của người tu ll Lên mạng gặp... quý thầy ll Tu sĩ Phật giáo với internet & mạng xã hội ll
Xem thêm: Chiếc áo tâm linh ll Dấu hiệu nhận diện của người tu ll Lên mạng gặp... quý thầy ll Tu sĩ Phật giáo với internet & mạng xã hội ll
A Di ĐÀ Phật! Rất đúng ạ.
Trả lờiXóa