Con Chim Sẻ
Một ngày vừa lên bên ngoài khung
cửa. Bình minh. Mùa xuân. Nắng nhẹ lung linh trên những đọt lá xanh
non. Rời bàn viết, Nhà Sư đi lần về phía cửa sổ. Muôn hoa nở đầy vườn.
Nhà Sư vươn vai đón nhận làn thanh khí mát mẻ của đất trời mà cảm nghe
một hòa điệu mênh mông, chan hòa với vạn vật.
- Bạch Thầy, bạch Thầy…
Tiếng gọi ngập ngừng từ bên ngoài vọng vào. Nhà Sư quay lại:
- Liễu Minh đấy à? Có chuyện gì vậy con?
Liễu Minh mở nhẹ cánh cửa:
- Sau giờ công phu khuya đến giờ, chẳng hay Thầy bận rộn điều gì mà không ngồi thiền theo lệ thường?
Nhà Sư mỉm cười dịu dàng:
- Con thấy Thầy chong đèn rồi bảo Thầy “bận rộn” đó à?
- Con… con…
Nhà Sư cất giọng từ ái:
- Con ạ! Đọc sách, xem kinh không phải
là bận rộn; viết truyện, viết sách không phải là bận rộn. Cho chí lao
động suốt ngày, làm việc để kiếm thêm sắn khoai, rau cải cũng không phải
là bận rộn. Trái lại, có kẻ công việc chẳng làm ra đầu ra đũa, bỏ mứa
chuyện này, bỏ phế chuyện kia, lăng xăng, loay hoay… mà bận rộn suốt cả
cuộc đời! Hai trường hợp ấy khác nhau ra sao con có hiểu không? Khác
nhau ở cái “Tâm” con có biết không?
- Dạ, con đâu có dám nghĩ là tâm Thầy bận rộn… Con chỉ hỏi chừng sức khỏe của Thầy!
Nhà Sư ôn tồn:
- Con thấy đó, Thầy làm việc nơi bàn
viết mỗi ngày năm, sáu tiếng; lao động chân tay hai, ba tiếng; công phu
hành thiền hai hoặc ba thời; còn tập thể dục, yoga, thái cực quyền… nữa.
Ơn Phật cho Thầy được sức khỏe nên chẳng bao giờ uống thuốc Tây, thuốc
Nam, thuốc Bắc; thế mà rất ít ốm bệnh, vài ba năm chỉ nhức đầu, sổ mũi
sơ sơ vài ba ngày… vậy thì còn đòi hỏi gì nữa hở con?
Liễu Minh cúi đầu. Nhà Sư khẽ vỗ lên vai chú:
- Mà cho dù sức khỏe có sa sút, có ốm
đau này nọ cũng là chuyện thường tình. Có thân ắt có bệnh. Mình muốn
thân này không bệnh là đi ngược lại với sự vận hành tự nhiên của nhiên
giới. Vậy là không được. Vậy là dục vọng. Người hiểu Đạo phải sống theo
Pháp, thuận Pháp.
- Dạ, con đã hiểu.
- Còn nữa, đấy là chưa nói cái chí
hướng, cái chí nguyện. Đức Bồ Tát thí thân cứu hổ dữ, cắt thịt mình cho
chim ăn, hy sinh cái thân vì hạnh phúc cho phần đông. Chúng ta là kẻ
xuất gia, cái thân này chỉ tạm mượn mà tu hành. Lại nữa, xuất gia là ý
chí tối thượng, là Ba La Mật; như mũi tên kia đã đặt trên dây cung, như
hành trang nọ đã chuẩn bị sẵn với con thiên lý mã; vậy chỉ còn là sự
tinh tiến, quyết tâm lên đường nữa thôi. Có sá gì cái thân này hở con?
Liễu Minh gục gặc đầu ra vẻ lãnh hội được bài học, chú nói:
- Thế ra cái thân này chỉ dùng để mà thể nghiệm Đạo lớn?
Nhà Sư cười:
- Đúng, nhưng không cần nói đao to búa
lớn như vậy. Giới nơi thân có ba, có ba là nói theo pháp học chứ thật
ra là hàng chục. Không phải chỉ có sát, đạo, dâm… mà tất thảy những vọng
động của thân, những lắc lư, ưỡn ẹo, tay đấm chân đá nữa! Mỗi lần xin
giới con đều có đọc: “Con xin vâng giữ điều học…” Điều học gì? Phải học bài giác ngộ ở đó!
Nhà Sư tự nghĩ: “Đơn giản vậy mà không
dễ gì nó lãnh hội hết đâu, nhưng chỉ cần cái gợi ý, gợi ý đúng hướng nó
sẽ tư duy đúng hướng.”
* **
Lát sau, Nhà Sư ân cần nắm tay Liễu
Minh đi về hướng chánh điện. Mùi hoa huệ trắng tỏa hương thơm tinh khiết
phảng phất trong không gian
- Con chim sẻ, bạch Thầy! Con chim sẻ hồi hôm vẫn còn!
Theo hướng tay chỉ của Liễu Minh, Nhà Sư thấy phía trên bệ thờ, một con chim sẻ đang kêu chiêm chiếp, vươn vai ưỡn cánh vô tư…
Nhà Sư nói:
- Con chim kia có vẻ vô tư, thoải mái con nhỉ! Dường như đó là những giây phút vô tư hạnh phúc, bình yên của nó.
- Vâng, quả có vậy.
Trầm ngâm giây lâu, Nhà Sư hỏi:
- Con có thể cho Thầy biết rằng, là
cái hạnh phúc, bình yên kia có chân thật không? Hay là ẩn sau cái hạnh
phúc, bình yên ấy là những sợ hãi, những lo âu?
Vừng trán đầy thông minh của Liễu Minh
chợt cau lại. Nhà Sư biết là mình đã đặt một câu hỏi vượt quá sức của
chú. Vừa định tìm cách khơi dẫn thì con chim sẻ vừa cất cánh bay lên
khung cửa gương phía trên cao. Chim vì thấy có người, định tìm lối thoát
nhưng cũng bị dội ngược trở lại. Đã mấy lần chim lập lại mãi cái nỗ lực
vô vọng ấy.
Liễu Minh chợt reo lên:
- Con tìm ra câu trả lời rồi! Hạnh
phúc, bình yên kia chẳng phải là cái chân thật, chỉ là cái tạm thời.
Bạch Thầy, vì quê hương nó không phải là ở đây, mà ở bên ngoài cửa
gương, nơi bầu trời mênh mông, cao rộng…
Nhà Sư nhè nhẹ gật đầu:
- Con đã nghĩ đúng. Ôi! Nếu cái nghỉ
ngơi tạm thời kia mà được gọi là hạnh phúc, bình yên thì hạnh phúc, bình
yên của đời người mới ngắn ngủi, mới đáng mỉa mai làm sao, con nhỉ! Thụ
hưởng được tí chút hạnh phúc, bình yên để rồi phải đối đầu với mọi nỗi
lo âu, sợ hãi. Thụ hưởng được tí chút hạnh phúc, bình yên để rồi nhận ra
rằng mình đang bị vây bủa trong bốn bức tường cao! Liễu Minh con! Hãy
nhìn thêm sự đau khổ đã rã rời trên đôi cánh của chim. Con hãy nhìn để
biết, để thấy và để cứu!
Trên cao, chim vẫn láo liêng, ngơ
ngác, bay ngược, bay xuôi; vẫn lập đi, lập lại mãi cái động tác quen
thuộc: lao vào liền bị dội ra!
Như đã không còn chịu đựng nỗi cái đau khổ của chim, Liễu Minh hốt hoảng:
- Hãy cứu, bạch Thầy, hãy cứu nó!
Vừa nói, Liễu Minh vừa chạy tới, chạy
lui đầy thương yêu và lo lắng; nhưng khoảng cách giữa người đến chim quá
xa, chẳng thể làm gì được. Chú vỗ tay, chú đập thùng, chú hét, chú la…
Tất cả đều vô ích. Nỗ lực của chú chỉ làm cho chim hốt hoảng, sợ hãi
thêm mà thôi.
Nhà Sư cũng thương yêu chim nhưng bình tĩnh hơn. Nhà Sư đưa mắt nhìn quanh, quan sát và suy nghĩ biện pháp, rồi nói:
- Con chạy ra sau vườn, nơi chỗ cây sàla, lấy ngay cây sào vào đây.
Khi đã có cây sào, Nhà Sư lấy tấm vải
rách cột lên đầu sào. Chỉ cho Liễu Minh thấy lỗ hổng thông gió ở đầu hồi
chánh điện, Nhà Sư bảo chú xua chim vào hướng ấy.
Quả nhiên, theo cách làm như vậy, lát sau, chim sẻ được cứu thoát ra ngoài.
Liễu Minh thở một hơi dài nhẹ nhõm:
- Nếu không có Thầy thì con chỉ làm cho nó thêm sợ hãi. Con quả là thiểu trí.
- Con đã tỏ ra đầy lo lắng, thương yêu
khi chim bị nạn, như vậy là có lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu trí, thì từ
bi kia sẽ rơi vào những tình cảm sướt mướt, bá vơ, đôi khi không hữu ích
gì cho cuộc đời này; lại làm cho cuộc đời này thêm rối loạn, như chim
đã rối loạn. Thiếu Trí con sẽ chạy tới, chạy lui mãi giữa thế gian, thương người, thương đời nhưng không biết làm sao mà cứu!
Thấm thía bài học, Liễu Minh rưng rưng như chực sa nước mắt.
Nhà Sư bước tới điện thờ, tự tay đốt
đèn cầy, thắp hương, xông trầm với tư thái chậm rãi, cẩn trọng, trang
nghiêm. Rồi Nhà Sư nói:
- Con hãy đến đảnh lễ Phật – nhìn Liễu
Minh đảnh lễ, Nhà Sư tiếp – đảnh lễ một cách định tĩnh, buông xả cả
thân lẫn tâm! Ngay giây phút đảnh lễ thì bản ngã, kiêu căng, tham sân,
sầu muộn… thảy đều phải được buông xuống hết. Đảnh lễ là giải thoát thân, giải thoát tâm, giải thoát trí đấy con ạ! Thôi được, xong rồi, bây giờ con hãy ngồi xếp bằng theo thế liên hoa và nhắm mắt lại.
Thấy Liễu Minh làm y lời, Nhà Sư nói:
- Những tạp niệm đã lắng xuống rồi, bây giờ hãy làm cho tâm con được trong sáng và lớn rộng hơn. Con có nghe rõ đấy không?
- Dạ nghe rõ.
- Con có thấy bầu trời trong xanh và cao rộng chưa?
- Dạ thấy rồi.
- Bây giờ con hãy “tưởng” con
là bầu trời, không một tư niệm nào; một bầu trời rộng lớn, vô biên,
trong sáng, không hề có một đám mây nào gợn! – chăm chú nhìn Liễu Minh,
lát sau Nhà Sư tiếp – Vậy là tốt, hãy cứ để tâm như vậy chừng năm, mười
phút.
Cuộc đối thoại chìm trong yên lặng.
Trầm, hương mênh mang tỏa khói, những sợi nhỏ lãng đãng uốn mình xuyên
qua những tia nắng bình minh rồi tan hòa mất hút giữa thinh không. Vài
tiếng động bên ngoài cũng chợt như xa vắng. Thời gian và không gian đọng
lại trong vũng sáng lưu ly… nơi cái giây phút hư không, vô nhiễm. Tất
cả đều là hư không, vô nhiễm!
Nhà Sư “đánh thức” Liễu Minh:
- Thôi, đủ rồi con!
Liễu Minh mở mắt ra.
- Tâm hồn con bình yên rồi đấy chứ!
- Dạ vâng.
- Cái hư không vô nhiễm kia không phải
là Niết Bàn nhưng là chỗ “tạm thời nghỉ ngơi” của chúng ta! Chỗ “tạm
cư” ấy nó nhẹ nhàng hơn, yên ổn hơn tất cả những cái gọi là hạnh phúc
giữa cuộc đời này. Khi nào phiền muộn con hãy đến đó mà nghỉ ngơi nhé!
Con chưa thiền quán được thì tạm thời lấy cái “tưởng” hư không vô nhiễm
ấy mà làm nơi an trú…
- Dạ, con nghe rõ.
- Còn nữa! Thầy phải cần lặp lại rằng,
cái chỗ nghỉ ngơi của con chim sẽ là không yên ổn, chỗ nghỉ ngơi vừa
rồi yên ổn hơn, nhưng nó chưa phải là mục đích phạm hạnh của chúng ta.
Bài học của con chim sẻ không phải chỉ có chừng đó, con hãy chiêm nghiệm
thêm. Nhớ nhé!
* **
Buổi tối, sau giờ tụng kinh, Nhà Sư hỏi:
- Từ chuyện chim sẻ hồi sáng, con học thêm được bài học gì, nói cho thầy nghe thử xem?
Liễu Minh vòng tay:
- Con suy nghĩ kỹ rồi, bạch thầy! Thuở
mới vào chùa, con tưởng đời sống tu sĩ nhàn hạ, thảnh thơi. Nhưng con
đã lầm, sự nhàn hạ, thảnh thơi ấy dễ phát sanh những thụ hưởng ích kỷ,
biếng nhác. Vậy con chính là con chim sẻ ấy và Thầy là người dẫn lối đưa
đường cho con ánh sáng để thấy rõ mình hơn.
- Rất tốt. Vậy còn bài học gì nữa?
- Thầy đưa con đến chỗ hư không vô
nhiễm mà Thầy còn nói đó là chỗ nghỉ ngơi tạm thời. Bởi chính ngay nơi
chỗ nghỉ ngơi ấy cũng dễ phát sanh thụ hưởng, ích kỷ, vị ngã. Con đã
hiểu như vậy, là bài học thứ hai, không biết có sai lầm chăng, bạch
Thầy?
- Không sai đâu! Còn bài học nào nữa hở con?
- Bây giờ, chim sẻ không còn là con
nữa mà chim sẻ là hình ảnh của chúng sanh vạn loài. Vì vô minh, vì ái
dục, chúng sanh cứ mải mê trong hạnh phúc tạm bợ thế tình, những thỏa
mãn ngũ dục phù du. Khi nhìn lại thì xung quanh đã bị vây bủa bít bùng,
không còn tìm thấy lối ra. Đâu đâu cũng là bóng đêm. Đâu đâu cũng là tử
sinh và nước mắt. Bạch Thầy, đấy là bài học thứ ba.
Nhà sư mỉm cười:
- Khá lắm! Nhưng dường như con muốn nói gì đó nữa?
- Dạ đúng thế. Con còn muốn ví von
rằng, tấm gương mỏng và trong bên cửa sổ cao kia được ví như màn vô
minh. Vì trong và mỏng quá nên chúng sanh không biết đấy là vô minh.
Nhưng vô minh dầu mỏng, dầu dày cũng rất khó thấy. Đối với kẻ trí, ít
nghiệp chướng thì nó rất mỏng. Đối với người ngu, nhiều nghiệp chướng
thì nó chắc hẳn phải dày. Nhưng, đập vỡ được nó ra thì bên kia là vùng
trời giải thoát!
- Lành thay! – Nhà Sư tán thán- con còn muốn nói gì nữa không?
- Bạch Thầy, hồi sáng, nhờ cây sào của
Thầy, con mới đưa chim ra được bầu trời tự do. Cây sào ấy được ví như
là giáo pháp, nói gọn và gần hơn nó chính là Bát Chánh Đạo. Chỉ có Bát
Chánh Đạo mới đưa được chúng sanh từ nơi lo âu, sợ hãi, phiền muộn đến
nơi giải thoát an vui!
- Hay lắm!
- Bạch Thầy – Liễu Minh say sưa nói –
Phải xua, phải đuổi, phải đánh, phải đập những con chim sẻ đần độn, ngu
muội! Phải tát vào mặt, phải quất vào lưng những con chim sẽ ngủ mê,
hưởng thụ, biếng nhác! Phải làm cho chúng tỉnh dậy, phải làm cho chúng
ra đi, cho chúng bay, cho chúng thoát. Phải giúp đỡ cho chúng sanh bằng
mọi phương tiện có thể được. Bây giờ không còn là thứ từ bi thụ động,
tiêu cực, nước mắt sướt mướt… mà phải là bão để cuốn phăng, phải là lửa
để đốt cháy… cho chúng sanh tỉnh giấc mộng trường! Và ngay chính bản
thân con, con chim sẻ ngu muội, cũng phải biết thủ tiêu cái hèn mọn của
tự ngã, sự nghỉ ngơi tạm thời… để lên đường, để ra đi…
Nói ra đi như vậy, nhưng con chưa dám
nghĩ là để thành tựu điều gì, mà chỉ là đáp đền hồng ân Tam Bảo, đáp đền
ân Thầy Tổ, đàn-na thí chủ và tình nghĩa đệ huynh. Và nhất là để khỏi
hổ thẹn với chính mình!
Nhà Sư ân cần nắm tay Liễu Minh đứng dậy:
- Đấy là những suy nghĩ chân chính,
đáng khen. Chà! Một con chim sẻ vừa ngu muội đó mà bây giờ đã trở nên
thông minh rồi! Thầy hài lòng lắm, con biết không?
Liễu Minh nở nụ cười sung sướng còn tươi đẹp hơn mùa xuân bên ngoài
Tam Bảo Tự – Đà Nẵng
1977
1977
Không có nhận xét nào