Thứ nhất tu nhà…
HỎI: Chúng tôi
đều là Phật tử, có duyên lành gặp nhau khi tham dự các khóa tu ở chùa. Hiện
chúng tôi cũng khá lớn tuổi, đã nên vợ nên chồng, có một cháu gái ngoan và sống
cùng với ông bà ngoại. Nhưng cuộc sống gia đình chúng tôi ngày càng trở nên
lạnh lẽo vì ông xã tôi quá chăm chỉ đi chùa. Lúc tôi sinh em bé ở trong bệnh
viện mấy ngày là anh đi chùa mấy ngày. Khi tôi còn trong giai đoạn ở cữ thì anh
đi Ấn Độ để tu tập. Từ đó tới nay ngày nào cũng như ngày nấy, sáng ngủ dậy anh
tụng kinh đến giờ đi làm, chiều về đi chùa đến gần 22 giờ, về nhà lại trì chú
đến 23 giờ. Anh bỏ mặc vợ con ở nhà khi con đau ốm, nhường hết việc cho vợ và
bố mẹ vợ để đi chùa, làm công quả... Với anh, vợ con buồn cũng không sao, bạn
đồng tu luôn luôn là trên hết, bất kể lúc nào cũng có mặt và sẵn sàng là chỗ
dựa cho mọi người. Tôi cũng đã nói chuyện góp ý nhiều lần nhưng anh không hề
thay đổi. Anh nói không ai sướng hơn tôi, ở nhà chơi không mà nhận được bao
nhiêu công đức anh hồi hướng cho. Anh còn nói vì có vợ con mà trở ngại bước đi
chùa tu tập của anh... Kính hỏi, nên chăng cắt đứt nợ duyên này để cả hai cùng
cảm thấy thoải mái? Anh được tự do, còn tôi không phải thêm nghiệp sân hận,
không phải thêm nghiệp ác khẩu. Trong đầu tôi hiện tại chỉ mong giải thoát khỏi
tình cảnh này.
(HƯƠNG GIANG, phamhuonggiang142@yahoo.com)
ĐÁP:
Bạn Hương Giang thân mến!
Không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian lại có câu: “Thứ nhất tu
nhà, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ý người xưa muốn nói tu thì tốt nhưng tu
nhà là việc đứng đầu, căn bản và quan trọng nhất. Tu nhà nghĩa là mỗi cá nhân
cần tự sửa mình nhằm thực hiện tốt trách nhiệm, vai trò của mình để góp phần
làm nên “trong ấm ngoài êm”, hạnh phúc của gia đình.
Rõ ràng, theo như bạn trình bày, chồng của bạn đã không hoàn
thành vai trò và trách nhiệm của người chồng, người cha trong gia đình. Theo
suy luận thông thường, bước thứ nhất mà tu chưa được thì khó mà hy vọng tu tập
thành tựu ở những bước cao hơn.
Tuy nhiên, những điều bạn đã tâm sự dù ít ỏi nhưng đã cho thấy
một điều rất quan trọng là đời sống hôn nhân của các bạn đã có những trục trặc,
và hiện tượng “quá chăm chỉ đi chùa” của chồng bạn thực chất chỉ là giải pháp
tình thế để tránh hoặc hạn chế tối đa sự chung đụng, gặp gỡ giữa hai người.
Theo chúng tôi, sự lảng tránh trách nhiệm gia đình bằng cách
“chuyên tâm tu tập” như chồng bạn đã làm thật sự là không nên. Người Phật tử
chân chính, biết tu học thực sự thì phải đối diện với mọi sự thật để tìm cách
tháo gỡ. Kể cả trong những trường hợp đời sống hôn nhân gia đình có trục trặc
nghiêm trọng hay đổ vỡ không thể cứu vãn thì cũng phải ngồi lại với nhau để tìm
cách sắp xếp, chí ít thì “trong không ấm nhưng ngoài phải êm”.
Vậy nên bạn cần chủ động, thẳng thắn sẻ chia trao đổi cùng chồng
để biết rõ đời sống hôn nhân của các bạn đang bị trục trặc ở những điểm nào,
giải pháp khắc phục ra sao rồi cùng nhau điều chỉnh nhằm tái thiết lập hạnh
phúc. Cả hai bạn đều biết tu học nên đây là một cơ hội để mình ứng dụng nhằm
chuyển hóa tâm tư, hoàn cảnh của chính mình.
Điều cần lưu tâm ở đây là chồng bạn không nên im lặng tránh né
và bạn cũng không nên ôm phiền giận mãi trong lòng mà không tháo gỡ ra. Vì cách
ứng xử như thế chỉ mang tính đối phó tạm thời mà không giải quyết được cội gốc
của vấn đề, đó là chưa nói đến những bức xúc dồn nén lâu ngày đến khi bộc phát
sẽ rất nguy hiểm.
Hôn nhân là duyên nợ, là nghĩa tình. Trong trường hợp xấu nhất
nếu hết nợ thì còn duyên, hết tình thì còn nghĩa. Hai bạn đã tự nguyện, thuận
tình với nhau để đi đến hôn nhân thì cũng chính các bạn tự nguyện, thuận tình
với nhau để kết thúc và chia sẻ những trách nhiệm liên quan nếu cảm thấy cần
thiết và tốt cho cả hai người.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
Không có nhận xét nào