Mới cập nhật

Cô dâu theo đạo Thiên Chúa lên CHÙA làm lễ hằng thuận

Cô dâu, chú rể cùng thọ trì tam Quy, ngũ Giới. Giờ đây, hai vợ chồng trẻ có “tên mới”, chú rể Nguyễn Quốc Đạt được ban pháp danh Đức An Hòa, cô dâu người Thiên Chúa giáo Bùi Thị Thanh chính thức trở thành phật tử với pháp danh Đức An Thuận.


Yêu, tìm hiểu nhau hai năm, Thanh và Đạt đến với nhau theo lẽ tự nhiên từ tiếng gọi của nhịp đập trái tim. Nơi đã không còn khoảng cách tôn giáo, khi Đạt là phật tử, Thanh là một người con Thiên Chúa giáo…

Gia đình Đạt, các cô, các bác đi chùa lễ Phật nhiều, thấm nhuần đạo Phật đã tác ý đôi bạn trẻ nên đến chùa thỉnh quý Thầy tổ chức lễ Hằng thuận. Gia đình Thanh không khó khăn gì, chẳng phân chia “bên Lương, bên Đạo”, sớm đồng thuận để chuẩn bị cho lễ hằng thuận được tổ chức tại chùa Đình Quán.





8h09-8h52: Cùng "thực tập" trước khi vào chính lễ, ngồi thiền, lễ Phật... 
Sáng Chủ Nhật vừa rồi (10/6/Giáp Ngọ) lễ hằng thuận của đôi bạn trẻ Nguyễn Quốc Đạt và Bùi Thị Thanh, cùng ở Từ Liêm - Hà Nội đã diễn ra trong không khí thiêng liêng, nghiêm tịnh dưới sự chứng minh của Chư tôn thiền đức cùng đạo tràng về trợ duyên cho buổi lễ.

Từ sáng sớm, cô dâu, chú rể, đại diện quyến thuộc cùng bạn bè, các phật tử đạo tràng đã có mặt nơi nhà Tổ cùng “thực tập” trước khi vào chính lễ. Đầu tiên là Nghi thức quan trọng đối với bất cứ người con Phật nào: Nghi thức Quy y. Cô dâu, chú rể cùng thọ trì tam Quy, ngũ Giới. Giờ đây, hai vợ chồng trẻ có “tên mới”, chú rể Nguyễn Quốc Đạt được ban pháp danh Đức An Hòa, cô dâu người Thiên Chúa giáo Bùi Thị Thanh chính thức trở thành phật tử với pháp danh Đức An Thuận.





8h57: Nghi thức tụng Kinh Phúc Đức
Sau đó, Ni sư Thích Tịnh Quán, trụ trì chùa Đình Quán hướng dẫn mọi người cùng thực hành ngồi thiền để quán tịnh thân tâm. Tiếp đến là nghi thức tụng Kinh Phúc Đức, cầu phúc, cầu bình an cho đôi bạn trẻ.

Nếu không biết trước, chắc hẳn không ai nghĩ cô dâu là một giáo dân. Thanh nhiều phần thuần thục từng động tác, nghi lễ nhà Phật: cách ngồi thiền xếp chân bán già, cách chắp tay kính Thầy, lễ Phật. Thanh rất chú tâm lắng nghe và thưa lại trôi chảy những lời quý Thầy chỉ dạy.

Sau cơn mưa, nắng chan hòa ngập tràn khắp nơi:
Cá có đôi


Bồ câu có cặp

Nhành hoa sắc tím thủy chung
Như cùng chúc phúc mai sau muôn đời...
Một lễ hằng thuận đặc biệt tôi lần đầu được tham dự. Có lẽ vì vậy, thiên nhiên, đất trời cũng không ngừng ủng hộ cho ngày quan trọng nhất trong đời của đôi bạn trẻ. Không những thuận lợi về thời gian, thời tiết, mà buổi lễ thêm phần trang trọng khi có quý Thầy thuyết giảng giáo lý nhà Phật, ban đạo từ.





9h51: Nhân duyên lớn, đôi bạn trẻ được Thượng tọa Thích Tâm Thuần trụ trì thiền viện Sùng Phúc cùng về dự lễ, ban đạo từ và chia sẻ giáo lý

10h49: Cô dâu, chú rẻ cùng lẽ Phật khi nghe quý Thầy giảng về "5 chữ Hiếu" mà người con Phật cần ghi nhớ: Hiếu Kính, Hiếu Dưỡng, Hiếu Tâm, Hiếu Hạnh, Hiếu Đạo. 

10h53: Đôi bạn trẻ cùng tuyên đọc "Văn phát nguyện lễ Hằng thuận":
Cúi xin Phật từ bi gia hộ
Cho chúng con nên nghĩa vợ chồng
Trọn đời sống chung thủy với nhau
Cùng đi trên con đường Phật đạo
Để thương yêu tôn trọng lẫn nhau.

Xin Phật gia hộ cho chúng con
Biết chia sẻ với nhau niềm vui
Biết chịu đựng cùng nhau nỗi buồn
Mãi mãi xem nhau như khách quý…

…Xin Phật gia hộ cho chúng con
Tâm trí tuệ ngày càng phát triển
Hiểu thật sâu giáo lý Phật Đà
Để tâm đức ngày càng tăng tiến.

(trích "Văn phát nguyện lễ Hằng thuận")
Cô dâu, chú rể cùng được chia sẻ về “5 chữ Hiếu” một người con Phật cần ghi nhớ, về ý nghĩa lễ hằng thuận, về ý nghĩa “Trao nhẫn” trong lễ hằng thuận…

10h58: Đôi bạn trẻ đối lễ

10h59: Chuẩn bị lễ Sái tịnh

11h01: Thượng tọa Thích Tâm Thuần thực hiện lễ Sái tịnh cho cô dâu, chú rể





11h04: Cô dâu, chú rể trao nhẫn cho nhau, nguyện trọn đời sống thuận thảo, hạnh phúc

Nhẫn này làm từ vàng, tượng trưng cho sự bền vững. Nhưng, trong lễ Hằng thuận, trao nhẫn cũng là trao cho nhau "chữ Nhẫn", để cùng nhau nguyện vượt qua mọi sóng gió cuộc đời, cùng sống thuận thảo, hạnh phúc mãi về sau... 
Khi buổi lễ kết thúc, ai cũng hoan hỷ cùng chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Ông trời cảm động trước tâm lòng nơi cô dâu, chú rể khi cùng đồng tâm hướng Phật, chỉ mưa có chút đầu giờ sáng. Suốt thời gian còn lại diễn ra buổi lễ, ánh nắng chan hòa ngập tràn khắp nơi, có lúc rực sáng thiền đường nơi gian nhà Tổ, khiến chúng tôi cùng cảm nhận: Ánh từ bi chư Phật tỏa chiếu, chứng minh cho một lễ Hằng thuận đơn sơ đã thành tựu viên mãn.

11h07: Ni sư Thích Tịnh Quán trao Chứng nhận lễ hằng thuận và quà cưới cho cô dâu, chú rể

11h14: Mẹ chú rể thay mặt hai họ cảm tạ, tri ân quý Thầy và nhà chùa

11h18: Chụp hình lưu niệm cùng Chư tôn thiền đức. Buổi lễ Hằng thuận đã thành tựu viên mãn

Có phút hiếm hoi tranh thủ hỏi chuyện cô dâu, phật tử Đức An Thuận vừa vui mừng, vừa cảm động chia sẻ: Em thấy buổi lễ vô cùng thiêng liêng, đáng quý. Chúng em sẽ gắng thực hiện theo lời Thầy chỉ dạy, thực hành giáo lý nhà Phật, cùng sống sao cho tốt đời, đẹp đạo.  

Không có nhận xét nào