Mới cập nhật

Tập sống bố thí khi đi xe buýt

Oai nghi phật tử là đi đứng trong chính niệm. Vậy trong lúc lên xe buýt, nếu có nhiều người đang cùng bước lên xe, phật tử không chen lấn cùng đoàn người để lên xe, mà họ sẽ nhường và giúp đỡ người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật lên xe trước. 

Xe buýt là một phương tiện lưu thông phổ biến tại các nước phát triển như Singapore, Anh, Mỹ...v..v... Ở những quốc gia đó, hầu như không có người dân nào đi xe máy. Tại Việt Nam, nếu đa số người dân đều tham gia lưu thông trên xe buýt, con số tai nạn giai thông sẽ giảm đáng kể, cùng với đó là xây dựng nếp sống văn minh khi đi xe buýt. 
 
Đối với thanh niên phật tử, việc tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt là cơ hội tốt để chiêm nghiệm và áp dụng những giáo lý nhà Phật. 
   
Khi đợi xe buýt tại bến đỗ, xe buýt lưu thông thường khá lâu trên phố để tránh gây tai nạn giao thông cho những người dân đang tham gia giao thông trên xe máy. Trong lúc chờ xe buýt, phật tử kiên nhẫn bằng cách niệm thầm, thở sâu và đều, cũng có thể tận hưởng cảnh đẹp trên phố. Tâm lý sốt ruột trong khi chờ xe sẽ được thay thế bằng tâm thái bình thản, nhẹ nhàng nhờ hơi thở được điều hòa. 
 Vui như đi xe buýt nếu nếp sống văn minh hình thành trong cộng đồng
Oai nghi phật tử là đi đứng trong chính niệm. Vậy trong lúc lên xe buýt, nếu có nhiều người đang cùng bước lên xe, người phật tử không chen lấn cùng đoàn người để lên xe, mà họ sẽ nhường và giúp đỡ người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật lên xe trước. Thậm chí đối với loại xe buýt chuyên dùng cho người khuyết tật, có những người tự nguyện đẩy xe giúp họ lên được xe buýt bằng sự bao bọc, che chở, đồng cảm dành cho người. 
Vì sự điềm tĩnh, từ tốn trong từng hành vi góp phần giúp tâm tư của mình bình thản, giúp người cũng chính là giúp chính mình tự trưởng thành hơn, tự bình yên hơn.
Ở lớp giáo lý trong chùa, phật tử thường được Thầy giáo thọ dạy rằng, đạo Phật là đạo từ bi trí tuệ, vậy bố thí là việc mà mỗi người con Phật nên làm. Bố thí có nhiều cách: tài thí là bố thí vật chất lại bao gồm vật chất ngoài thân và vật chất bên trong thân thể như máu, tim, mắt, tay; pháp thí là chia sẻ Phật Pháp, vô úy thí là an ủi, động viên, mang lại cảm giác bình yên cho người. 
 
Vậy đối với những sinh viên chưa đi làm, chưa có nhiều tiền cũng chưa đủ sức khỏe để bố thí ngoại tài và nội tài, khi ở trong xe buýt, họ vẫn có thể cho đi bằng cách mỗi lần thấy người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật bước lên xe, mình đứng dậy bước tới dìu họ đi vào chỗ mình đang ngồi. 
Nhờ đó, thanh niên biết dẹp bỏ cái tôi ích kỷ, khi họ không còn thấy cái ghế trên xe buýt là của tôi vì tôi ngồi trước, mà mọi cái ghế đều thuộc về của chung, ai cũng có thể ngồi được. Người trên xe buýt thường chỉ thích ngồi để được thoải mái đọc sách và nghỉ ngơi, ngắm cảnh; vậy thì phật tử có thể tạm gác sở thích và cảm giác thoải mái khi được ngồi, để nhường chỗ cho người cần nhường, đó là phật tử đã thực tập lòng từ bi để có thể bố thí bằng tâm thiện mai này, khi họ có đủ điều kiện.
Vì đạo Phật cùng giáo lý đến với thế gian chỉ mong tha nhân được hạnh phúc, vậy thì đức hy sinh để giúp người khác được hạnh phúc đôi khi đơn giản chỉ là hành động nhường ghế trên xe buýt cho những người yếu đuối hơn mình. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai họ đang có trong mình những niềm hạnh phúc tương lai cho một gia đình, mình trân trọng và che chở cho họ bằng cách nhường ghế cho họ, cũng có nghĩa là mình đang góp phần làm nhiều người hạnh phúc. 
Có thể hành động nhường ghế trên xe buýt là bước khởi đầu huân tập nên tâm từ để mai này đủ duyên, phật tử giúp đời giúp người bằng tâm hồn yêu thương đồng loại mọi lúc, mọi nơi, mọi việc thì khi đó sự bố thí sẽ trọn vẹn ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần.
                                                                                          
Diệu Hòa

Không có nhận xét nào